News

UNESCO triển khai Tuyên bố ASEAN về Trẻ em và Thanh niên Ngoài nhà trường giai đoạn mới

Với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ POSCO 1%, UNESCO sẽ thúc đẩy tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường ở Việt Nam.
Education

Trong khuôn khổ Tuyên bố ASEAN về Trẻ em và Thanh niên Ngoài nhà trường năm 2016, phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Luật Giáo dục năm 2019 của Việt Nam, trong đó quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc và Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, UNESCO xúc tiến triển khai dự án “Thúc đẩy tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường ở Việt Nam (2023–2024)”.

Với nguồn tài trợ từ Quỹ POSCO 1% của Hàn Quốc, đây là giai đoạn 3 của Chương trình khu vực đã được triển khai tại Indonesia (2018-2019) và Thái Lan (2020-2021). Dự án hướng tới thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận cơ hội đến trường cho trẻ em và thanh niên. Bất chấp những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong việc đảm bảo tỷ lệ đi học trong những thập kỷ gần đây, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đại dịch Covid-19 năm 2019 cho thấy Việt Nam hiện có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường. Nếu xét kỹ hơn, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở khu vực nông thôn cao hơn gần hai lần khu vực thành thị (9,5% so với 5,7%). Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng lớn: Cấp tiểu học, cứ 100 em trong độ tuổi đi học cấp tiểu học thì có khoảng 1 em không được đến trường; con số tương ứng ở cấp THCS là gần 7 em, ở cấp THPT là 26 em.

Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 3 này là thúc đẩy và tăng cường tiếp cận công bằng với giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng chuyển đổi cho 300 trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường (TE&TNNNT) độ tuổi từ 15 đến 25, ở 2 tỉnh được lựa chọn: Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp. Đây đều là các địa phương tỷ lệ TE&TNNNT cao; ngoài ra, họ đều có mong muốn thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực để làm phương tiện tăng trưởng kinh tế xã hội trong khu vực.

Phương pháp tiếp cận ở Việt Nam sẽ được thực hiện theo 3 cơ chế chính:

1) Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính quyền; cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm và giáo dục; các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện doanh nghiệp; các cơ sở GDNN cấp tỉnh, huyện và các cơ sở giáo dục công lập khác; cũng như cơ quan truyền thông

2) Rà soát, điều chỉnh và tổ chức giảng dạy các chương trình dạy nghề ngắn hạn trong đó có tích hợp các kỹ năng chuyển đổi cho TE&TNNNT có xét đến tình trạng thị trường lao động địa phương

3) Chia sẻ kinh nghiệm rộng rãi để nâng cao nhận thức, truyền thông và vận động tới các bên liên quan, hướng tới khả năng nhân rộng

UNESCO đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của 2 tỉnh và Trung tâm GDNN Công đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tại TP. Vũng Tàu và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tại TP. Cao Lãnh, cùng chung tay thực hiện dự án.

Các nghề đào tạo ngắn hạn ở 2 địa phương đã được xác định trên cơ sở nhu cầu/năng lực học tập của TE&TNNNT và tình trạng thị trường lao động địa phương. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, những nghề đào tạo ngắn hạn gồm kỹ thuật làm bánh cơ bản; kỹ thuật chế biến món ăn; hàn điện; điện dân dụng; kỹ thuật may công nghiệp cơ bản; kỹ thuật chăm sóc spa căn bản; và kỹ năng phục vụ nhà hàng. Ở Đồng Tháp, các nghề đào tạo ngắn hạn gồm bảo dưỡng máy lạnh; lắp đặt điện dân dụng; lắp rắp, cài đặt máy tính; pha chế đồ uống; hướng dẫn du lịch cộng đồng; và kỹ thuật trồng rau hữu cơ.

Khi hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ, các em sẽ được trang bị để tham gia thị trường lao động, cũng như tiếp tục đào tạo nâng cao. Dự án mong muốn đảm bảo rằng TE&TNNNT được trang bị tốt các kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi để có được việc làm thỏa đáng, cũng như hòa nhập sâu rộng vào cộng đồng nói chung.

Sau khi được các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh và tích hợp các kỹ năng chuyển đổi, các chương trình đào tạo ngắn hạn này sẽ được đội ngũ nhà giáo đã qua tập huấn tiến hành giảng dạy cho TE&TNNNT bằng phương pháp hòa nhập và phân hóa. Kết quả triển khai sẽ được tài liệu hóa làm chất liệu để thảo luận và thu hoạch tại hội thảo vận động cấp tỉnh; đồng thời, những điển hình hay, câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm cũng sẽ được phổ biến rộng rãi.

Hội thảo tổng kết của cả 3 quốc gia—Indonesia, Thái Lan và Việt Nam—ứng với các giai đoạn của Chương trình sẽ được tổ chức tại Hà Nội, quy tụ các bên liên quan chính của dự án để chia sẻ những câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách về cơ chế đào tạo linh hoạt cho TE&TNNNT.

Dự án hoàn toàn phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững 4 của Liên Hợp Quốc, đặc biệt góp phần thực hiện Chỉ tiêu 4.4: “Đến năm 2030, xóa bỏ chênh lệch giới trong giáo dục và đảm bảo tiếp cận bình đẳng ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, kể cả giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cho những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trẻ em trong những hoàn cảnh khó khăn”. Hơn nữa, dự án đồng thời cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ cũng như của các địa phương nói riêng theo chủ trương phân cấp trong việc đảm bảo tiếp cận bình đẳng với GDNN và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Để biết thêm thông tin về dự án, vui lòng liên hệ: 

Ông Nguyễn Văn Giang, Cán bộ dự án giáo dục

Văn phòng UNESCO Hà Nội

Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc 

304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Email: hanoi@unesco.org

Để biết thêm thông tin tổng quan chương trình khu vực về trẻ em ngoài nhà trường của UNESCO (2017), vui lòng xem tại đây.

Để biết thêm thông tin về các hoạt động của UNESCO trong việc nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 trên phạm vi toàn cầu, vui lòng truy cập: https://www.unesco.org/gem-report/en/access.

A working child
Education2
Sports for children
Education3